Sau hơn một tuần ở yên trong dinh thự tĩnh dưỡng, Trà My thoát kiếp ve sầu trở về dáng vẻ đẹp đẽ vốn có.
Lúc xuống nhà ăn sáng vừa khéo gặp ông Thành đang ăn sáng.
"Dạ, thưa ông!", Trà My lễ phép thưa, thấy ông Thành gật đầu cô mới kéo ghế ngồi xuống.
Trà My chuyên tâm ăn sáng, không nhìn loạn đi đâu, dáng vẻ thập phần tự tại.
Ông Thành duy trì sự im lặng, chỉ là ánh mắt thỉnh thoảng lại lướt qua cô.
Hai ông cháu mỗi người một thế giới bỗng nghe tiếng bước chân hối hả, Tú từ trên lầu chạy vội xuống, vừa đi vừa thắt cà vạt.
Trà My nghiêng đầu xem đồng hồ, thấy kim giờ chỉ số chín liền cười mỉm.
Hóa ra có người đi làm trễ!
"Dạ, con chào ông!", Tú lấm lét thưa.
Số anh ta dạo này thật xúi quẩy, làm gì cũng bị bắt tại trận chắc phải tìm thầy giải hạn thôi.
"Đêm qua nghe nói anh lại uống say về trễ!", ông Thành buông đũa không ăn nữa, nói bâng quơ.
Người hỏi vô tâm người nghe có ý, Tú cảm thấy ông nội chính là muốn hỏi tội mình.
Anh ta vội vàng giải thích:
"Dạ, con đi bàn công việc với khách uống quá chén thôi chứ không phải tụ tập ăn chơi gì đâu ạ!"
Vừa mới gây ra họa tày trời, Tú không ngốc mà tiếp tục phạm phải sai lầm, làm thế khác nào giỡn ngươi với ông nội? Trứng chọi đá kết quả thế nào ai ai cũng biết.
Đời ba còn nằm trọn trong lòng bàn tay há đời con thoát được?
"Ờ!", ông Thành lạnh nhạt thốt ra đúng mỗi một từ, không bình phẩm gì thêm.
Ông lãnh đạm như thế, Tú càng bối rối, không đoán được ý ông, lúng túng đứng trước bàn ăn.
Trà My biết thừa Tú muốn đi, tuy nhiên cô lại giả vờ quan tâm hòng níu chân anh ta.
"Anh họ, anh ngồi xuống ăn sáng rồi hẵng đi làm, còn sớm mà!"
Tú nhìn cô, đơ hết vài giây rồi mới thoái thác:
"Không cần đâu em họ, anh còn bận việc!"
Trà My rõ ràng là cố tình, tè sau đêm đó cô ta ghi hận, bắt đầu tìm đường chèn ép anh.
Nếu là trước kia, Tú nhất định cho đối phương nếm mùi nhưng thời thế thay đổi, sông có khúc người có lúc.
Để một đứa mồ côi cha mẹ leo lên đầu ngồi, Tú thấy nhục không chịu được.
Đợi đó đi, khi mọi chuyện chìm vào quên lãng, anh ta nhất định hoàn trả lại món nợ này.
"À, vậy thôi!", Trà My chỉ mời lơi, vì mục đích khác, đâu quan tâm anh ta có chịu ở lại hay không.
"Bận việc sao còn đứng đây? Muốn để đến giữa trưa mới đi hay gì? Đồ lười biếng!"
Ông Thành không vui mắng Tú, đây chính là thứ Trà My muốn.
Cô không thể làm gì Tú nhưng rõ ràng dưới mái nhà này, ai cũng phải cúi đầu trước một người.
Khi những kẻ mình chướng mắt gặp xui xẻo quả nhiên tâm trạng tốt ngay.
"Dạ, con đi ngay!", Tú nói vậy xong liền ba chân bốn cẳng chạy ù ra ngoài.
Anh ta vừa sợ lại vừa tức, trận đòn hôm bữa Tú vẫn còn khiếp đảm tới giờ đây.
Trà My thế mà ngang nhiên thọc gậy bánh xe, cái con nhỏ mồ côi này bị tên đầu hói dọa hỏng sợi dây thần kinh nào rồi à? Hãy đợi đó!
Tiếng lòng Tú, Trà My không nghe thấy được mà giả sử có đi nữa thì cô cũng chẳng quan tâm.
Tú lấy tư cách gì để oán hận, chính anh ta đối xử tệ với cô trước, ăn miếng trả miếng thôi.
"Thằng Tú nó chỉ khôn vặt thôi nhỉ?", ông Thành bỗng lên tiếng.
Câu hỏi nằm ngoài dự kiến, Trà My không hiểu ông nội có ý gì.
Cô lấp lửng:
"Con không có tài nhìn người nên không biết ạ.
Nhưng mà khôn nào cũng là khôn, vẫn hơn là ngu không phải sao ông?"
Ông Thành cười phá lên:
"Con nghĩ vậy thật sao?"
Ông biết chắc Trà My nghĩ khác dù rằng đôi mắt có vẻ chân thành.
Sai lầm lớn nhất Tú gây ra không phải là đưa con bé lên giường hòng trục lợi cho bản thân mà là đánh thức linh hồn bất kham trú ngụ trong người Trà My.
Từ cái đêm ấy, ông cảm nhận cô cháu gái dần thay đổi.
Tú và mọi người đều tưởng rằng hình phạt của ông đã xong, thực tế không phải vậy.
Trà My đang giận dữ, liên tục công kích vào Tú bằng cách mượn tay ông.
Lăn lộn bao năm, ông Thành biết hết nhưng vẫn phối hợp.
Đòn roi chỉ mang tính răn đe nhất thời, hiệu quả không cao.
Khóa nào mà không mở, người thừa kế tập đoàn ra đường thiếu tiền sẽ mất mặt lắm, thẻ sớm muộn cũng phải mở lại thôi.
Chỉ có Trà My là thích hợp, nó như con dao treo đầu giường, mỗi giây mỗi phút đều nhắc nhở Tú nên cẩn trọng.
"Con chỉ biết an phận sống qua ngày, nào nghĩ đến chuyện dối gạt ai!"
Trà My chọn cách nói khác thay vì trả lời trực tiếp.
Đừng khờ dại khẳng định chắc nịch điều gì khi nó không phải suy nghĩ thật của mình trước ai đó lão luyện, rất dễ bị phát hiện.
Nửa thật nửa giả, không khẳng định cũng chẳng cũng phủ định, đôi khi sự mập mờ lại là vùng an toàn.
Tú ắt hẳn nghĩ cô mượn dao giết người nhưng đâu ngờ cô chỉ là con dao.
Ông nội rất xảo quyệt, ông ấy đối xử với Tú hệt như khi cô bị anh ta bắt nạt, dửng dưng ngồi xem ngao sò đánh nhau.
Phải chăng đây là sự thâm thúy của doanh nhân lão làng?
"Vì an phận nên con đã gọi cho ông cầu cứu sao? Sao con không gọi ai khác?", ông Thành bỗng dưng nhắc đến chuyện Trà My bị lừa đến khách sạn.
Thời gian trôi qua, sau khi những cơn nóng giận biến mất và thu dọn hậu hoạn, ông càng nghĩ càng thấy đáng ngờ.
Trà My trước giờ chỉ lưu số điện thoại chứ chưa gọi cho ông cuộc nào, thế mà đêm đó lại gọi.
Thông thường khi gặp nguy hiểm không phải theo quán tính sẽ gọi cho người thân cận hoặc cảnh sát để cầu cứu sao? Ngộ nhỡ ông không nghe thì thế nào? Phản ứng trước sau cũng không đồng nhất, trong điện thoại Trà My rất hoảng loạn thế mà khi về lại bình chân như vại, kỳ lạ!
Có khi nào con bé đã tính trước cả rồi không? Ý nghĩ này đôi lần nhảy ra trong đầu tuy nhiên ông Thành lại bác đi.
Tính toán thế nào được, Trà My bị Tú lừa kia mà, dĩ nhiên không biết được ý đồ đen tối đằng sau nên mới phản kháng kịch liệt, cả người đầy thương tích.
Hoài nghi rồi lại phủ định, quá trình ấy cứ lặp đi lặp lại khiến ông khó chịu, tốn thời gian vào một việc nhỏ nhoi thật lãng phí.
Bị đôi mắt sắc bén như chim ưng săm soi, Trà My căng thẳng tuy nhiên chỉ giấu trong lòng.
Cô nói với giọng ưu thương:
"Đó là bản năng, là một sự cố hoặc chăng là do định mệnh an bài.
Con định gọi cho cảnh sát đó chứ nhưng ai biết số trời đưa đẩy thế nào lại phiền đến ông, con xin lỗi ạ!"
Ông ấy quả nhiên đã nghi ngờ, việc này không sớm thì muộn thôi.
Nhưng dù sao đi nữa, cô vẫn là người bị hại, chịu đủ kinh sợ.
"À khéo thế nhỉ? Ông chỉ mong con an phận thủ thường sống qua ngày là được!", ông Thành bảo, nói đoạn ông dặn thêm,
"Con chuẩn bị đi, ngày mai theo ông đi chơi golf! Ông nghe bảo lại con chơi cũng không tệ."
Đề tài cuộc nói chuyện bị chuyển quá nhanh, Trà My thầm thở phào.
Cô lấy cớ thoái thác:
"Con chỉ giỏi lý thuyết, không dám múa rìu qua mắt thợ kẻo làm ông mất mặt, hay là ông dẫn anh họ đi cùng."
"Không sao, chỉ là thú vui giải trí, không cần đặt nặng, cúng ta có phải vận động viên chuyên nghiệp đâu mà bàn đến giỏi hay dở."
"Dạ!"
Ông Thành đã nói vậy, Trà My cũng không dám đôi co tiếp, vâng dạ nghe theo.
Căn nhà này thật ngộ, toàn đàn ông dẫn cô đi xã giao, trước là bác giờ tới phiên ông nội.
Phải mà họ cho cô vào tập đoàn làm việc nữa thì y như rằng đang bồi dưỡng người thừa kế.
Trà My tuy thắc mắc rồi thôi, không để trong lòng mấy chuyện vặt vãnh này.
Ở sân golf nằm trong câu lạc bộ tư nhân đắt đỏ, gặp được các đối tác kinh doanh là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Khi họ vừa lại đụng ngay vợ chồng con cái chủ tịch tập đoàn Gia Hào, chào hỏi qua lại liền thuận thế đi chung.
"Đã lâu không gặp, bác Thành ngày càng trẻ ra."
"Làm gì có chuyện đó, tre phải già để măng còn mọc chứ.
Hổ phụ sinh hổ tử, Gia Phúc đỡ đần cho anh rồi không biết thằng Tú bao giờ mới được vậy."
"Đâu đâu, Phúc thua xa Tú nhiều, bác cứ khiêm tốn.
Nói chứ Phúc vẫn còn khiến vợ chồng tôi phiền lòng lắm bác ạ, sắp ba mươi mà chưa vợ con gì, không biết bao giờ mới được bồng cháu!"
"Lớp trẻ ngày nay đều vậy nhưng con trai đỡ hơn, còn con gái tuổi xuân có hạn.
Ông già này cũng rầu rĩ không ngủ được vì cô cháu gái đấy thôi anh Hào ạ!"
"Trà My tài sắc có đủ, ai lấy được là phước đó chứ, giá mà thằng con tôi tìm được cô vợ thế này thì còn gì bằng bác nhỉ?"
"Đã thân lại càng thêm tốt quá còn gì nhưng chuyện hôn nhân đâu phải chúng ta nói là được, quan trọng ở chỗ bọn nhỏ thấy thế nào kìa!"
...
Trà My duyên dáng ngồi nghe hai vị doanh nhân thành đạt nói chuyện, ngờ ngợ đoán được lý do ông Thành dẫn theo mình chứ không phải Tú.
Đôi bên dường như muốn kết thông gia, anh muốn gả, tôi muốn cưới.
Trà My ngoài mặt tươi cười nhưng trong lòng rối bời.
Nếu đúng như vậy, ông Thành bắt gả, làm sao cô dám chống đối hay nói đúng hơn là phản đối vô hiệu.
Nhưng bảo nghe theo thì không thể, cô đã có bạn trai rồi, kết hôn không tình yêu khác nào tự đào hố chôn mình.
Vừa giải quyết xong một chuyện thì chuyện khác lại đến, cô biến thành thỏi nam châm thu hút rắc rối tự bao giờ nhỉ?
"Em ăn ít bánh nhé?", người đàn ông ngồi đối diện mỉm cười cắt một phần bánh ngọt đẩy về phía Trà My.
Đây là Gia Phúc, người con thứ hai và là vị trí đầu tiên trong danh sách thừa kế tập đoàn Gia Hào.
Trà My đã gặp qua anh ta vài lần, họ chỉ nói chuyện đôi câu xã giao.
Có rất nhiều cô gái mê mệt Phúc, Trà My nghĩ ngoài gia tài đồ sộ phía sau phần nữa cũng vì sự ga lăng và diện mạo điển trai.
Nghe đồn anh ta rất đào hoa, Trà My còn nghe mấy cô tiểu thư bí mật kháo nhau là người này thật ra có tính vũ phu, đánh vài cô bạn gái nhập viện rồi.
Nhìn bề ngoài hiền lành thế ai tin được nhỉ? Đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong!
"Em cảm ơn! Nhưng mà tiếc là em bị dị ứng với một số loại hạt, anh đừng giận em!", Trà My đẩy ngược trở về, tiếc nuối giải thích.
Những chiếc bánh trên bàn được chế biến đẹp mắt, cô nhìn đã muốn thử.
Tuy nhiên chắc ông trời muốn cô giữ vòng eo thon gọn nên cái nào cũng có hạt, từ hạt điều cho đến hạnh nhân, óc chó,...!Nếu ăn vào thì cả người sẽ nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu vô cùng.
"Đúng là người một nhà không sai đi đâu được!", Gia Hào
cười phá lên thích thú.
Trà My không hiểu ất giáp gì:
"Là sao ạ?"
"Ông cũng bị dị ứng!", ông Thành lên tiếng giải thích.
Lúc này Trà My mới vỡ lẽ, thì ra là có di truyền.
Mà tại
sao ba và em trai không bị còn cô lại trúng giải độc đắc nhỉ? Di truyền cũng có tính chọn lọc sao?
Trên bãi cỏ xanh mướt, một nam một nữ đang sóng vai mà đi.
Họ có vẻ hợp gu, vừa đi vừa nói chuyện, thỉnh thoảng lại cười khúc khích.
Tuy nhiên đó là cái nhìn của người ngoài còn thực tế như thế nào chỉ có đương sự mới rõ.
"Anh Phúc thật là hài hước!", Trà My dối lòng lần thứ n lần khen người.
Cô nhớ có một câu nói thế này: Rồi sẽ có một ngày chúng ta trở thành loại người bản thân ghét nhất.
Con tạo xoay vần, hôm nay cô cực kỳ thuần thục trong khoảng nói cười giả tạo.
Trà My cong khóe môi, tự cười mỉa chính mình.
Gia Phúc ở bên cạnh nhìn thấy, hiểu lầm là Trà My đang e thẹn.
Việc này không thể trách anh ta được, một phần vì cô che đậy cảm xúc khéo quá, mặt khác trông Trà My như các cô gái chính chuyên thời xưa, thanh thuần, giữ kẽ.
Gia Phúc cứ thế trượt dài trên con đường ảo tưởng.
Anh ta vuốt tóc theo bản thân cho là đẹp trai nhất mà nào có ngờ trong mắt Trà My lại thành dở hơi.
Gia Phúc trưng ra bộ mặt tiếc nuối, quen đường quen nẻo tung chiêu:
"Phải chi anh sinh trễ năm năm thì tốt biết mấy!"
"Chi vậy anh?", Trà My không hiểu.
Gia Phúc nhìn cô bằng ánh mắt đắm say, nở nụ cười ấm áp, trả lời:
"Để anh bớt phải sống thêm năm năm tẻ nhạt!"
Trà My thật sự đã đơ người trong vài giây, cô nhanh chóng lấp liếm bằng cách chen miệng cười:
"Anh thật là!"
Có bệnh!
Trà My mắng thầm, thời nào rồi mà còn tán gái bằng mấy câu sến sẩm như vầy? Cô tự hỏi còn phải diễn trò thêm bao lâu nữa thì đã có cách thoát thân.
Điện thoại reo lên, là của một người thầy mà Trà My rất kính trọng.
Cô nói với Gia Phúc:
"Em xin phép đi nghe điện thoại!"
"À, em cứ đi đi!", Gia Phúc hào phóng gật đầu.
Trà My đi đến cây cọ cách đó một khoảng, nghe máy.
Gia Phúc đứng một mình, buồn chán ngó quanh.
Bỗng dưng mắt anh ta sáng rỡ lên khi trông thấy một người phụ nữ.
Bản lĩnh kẻ đi săn chuyên nghiệp không phải săn được nhiều hay ít mà là cùng một thời điểm, săn được mấy con mồi.
Trà My sau khi nghe điện thoại xong quay lại liền không thấy người đâu, có lẽ đợi lâu, anh ta đi mất rồi cũng nên.
Cô chầm rãi tản bộ, hít thở không khí trong lành cho khuây khỏa đầu óc.
Đợi chút nữa hãy quay về, cô rối trí quá, có bao nhiêu là chuyện cần phải suy nghĩ.
Đi được một khoảng, Trà My bỗng nghe thấy tiếng Gia Phúc phát ra từ sau bụi cây, còn có cả giọng phụ nữ nữa.
Cô không có thói nghe lén chuyện người khác, đang định rời đi nhưng vì câu nói tiếp theo mà dừng chân.
"Sao chúng ta không gặp sớm hơn nhỉ? Anh đã phải sống hai mươi bảy năm tẻ nhạt vì không có em đấy!"
"Ôi miệng anh dẻo thế!"
"Chỉ dẻo với mỗi em thôi!"
"Xạo!"
"Không, anh làm gì biết nói dối!"
"Ghét ghê!"
...
Cô gái kia xem chừng đã bị dụ, "mỗi em" đứng bên ngoài chịu không thấu hai người anh anh em em, bĩu môi rời đi.
Cái tên trăng hoa này, nhà giàu nứt đố đổ vách mà sao kịch bản cua gái lại nghèo thế? Ít ra cũng nên đầu tư thêm vài cái nữa cho đa dạng.
Nghĩ tới phải kết hôn với một người đàn ông "chung thủy" như Phúc, Trà My có thể đoán được kết cục đáng thương của bản thân.