Số lượng cây cảnh trong dinh thự Thiên Thành nhiều vô số kể, được thầy thợ chăm sóc.
Hôm nay là một dịp hi hữu khi mọi người nhìn thấy ông Thành tự tay cắt tỉa.
Thân là con dâu, bà Quyên không thể vắng mặt, cùng chung số phận với đám người làm, đứng yên một góc đợi sai bảo.
Trình độ cắt tỉa của ông Thành nói đẹp thì chưa hẳn mà bảo xấu lại không đúng, lơ lửng ở giữa.
Ông ấy chuyên tâm vào chậu bonsai, chẳng đoái hoài gì đến xung quanh.
Ông thì nhàn nhã nhưng người khác sớm đã thầm kêu trời trách đất.
Mặt trời dần lên cao, nắng cũng chói chang hơn.
Chỗ Bà Quyên đứng được ưu ái hứng nắng, bà ấy chỉ có thể cúi gằm mặt cho bớt chói mắt.
"Cạch!"
Sau bao phen nghiền ngẫm suy tính, ông Thành mới cầm kéo cắt đi một cành nhỏ.
Hết xoay chậu bonsai qua trái lại qua phải, ông hài lòng gật đầu.
Đặt kéo sang một bên, cầm lấy khăn đã được chuẩn bị sẵn, ông vừa lau tay vừa bảo:
"Đem cây về chỗ cũ! Mấy người cũng giải tán đi, ai làm việc nấy!"
Cuối cùng thì ông ấy cũng lên tiếng, người làm vội tốp năm tốp ba thu dọn sạch sẽ.
Bà Quyên lần đầu tiên thấy ghen tị với họ, bà ấy cũng muốn đi khỏi chỗ này, ở cùng ba chồng đáng sợ biết bao.
Người làm lũ lượt đi hết, chỉ còn mỗi ba chồng con dâu đứng và cây cối xanh tốt.
Ông Thành hít sâu, cảm nhận bầu không khí trong lành sau đó tập dưỡng sinh.
Bị xem như tàng hình nhưng bà Quyên chẳng dám mở miệng than vãn nửa lời dù trán túa mồ hôi.
"Chị xuống đây làm chi?", ông Thành bỗng hỏi.
Ông đã kêu réo gì đâu, tự dưng lại vác thân xuống.
Kiểu tự cho mình là đúng của vợ chồng con cái nhà này ngoài việc làm ông chướng mắt thì không được tích sự gì.
Lầm lì đứng một chỗ cứ như thể cai ngục giám sát tù nhân.
Nhưng vừa hay đúng lúc, ông cũng có việc cần giao.
Bị hỏi cắt cớ, bà Quyên chỉ đành bịa đại lý do:
"Dạ tại con muốn chăm sóc ba!"
Nói những lời này chính bà còn thấy ngượng miệng.
Ba chồng ở ngoài phơi nắng, con dâu chui trong phòng ngủ mà được chắc? Một lý do đơn giản, ai ai cũng hiểu nhưng lại không thể nói huỵch toẹt ra.
"Chăm sóc? Có hiếu quá nhỉ? Từ khi nào mà chị thành con hầu vậy? Chăm sóc ý ám chỉ tôi già cả sắp chết đấy à?", ông Thành cố tình vặn vẹo.
Đem cái ly do vụn về này ra tưởng là có thể lừa được ông chắc? Đầu hai thứ tóc mà tin vào thì uổng công ông sinh sớm mấy chục năm.
"Không, không ạ, ý con không phải thế!", bà Quyên vội giải thích.
Ngoài mặt thì sợ nhung trong lòng thì lại oán, hôm nay ba chồng bà ăn trúng thuốc súng hay sao mà cứ vạch lá tìm sâu.
"Thế ý chị là tôi vu oan cho chị?", ông Thành kiếm chuyện.
"Dạ, con nào có ý đó!", bà Quyên bị bắt chẹt muốn điên rồi.
Ông Thành nhìn con dâu túng quẫn, cảm thấy nhàm chán đổi chủ đề:
"Sao lại đứng về phía Trà My?"
Con dâu và cháu gái bằng mặt không bằng lòng, ông biết
chứ.
Thế nên khi con dâu đứng ra nói giúp cho Trà My, ông hơi bất ngờ vì thái độ trước sau quay ngoắt một trăm tám mươi độ.
Nói đi nói lại cuối cùng cũng đến chuyện chính, bà Quyên bày ra dáng vẻ bác cháu tình thâm:
"Dạ, con bé khổ nhiều rồi, để nó gả cho người nó thương, sống vui vẻ qua ngày.
Trà My không phải con sinh nhưng dẫu sao cũng làm mẹ, con chỉ mong con bé an yên là tốt rồi."
Cuối tháng này là Trà My sẽ biến khuất mắt, bà Quyên nghĩ tới liền sảng khoái.
Vậy là không còn cái của nợ trả treo với bà, Tú cũng được yên thân.
Cứ để nó gả cho tình yêu đi rồi nếm mùi đau khổ, cuộc sống hôn nhân vốn muôn mặt, ở ngoài chưa rõ, vào trong mới tỏ tường.
"Cảm động quá!"
Ông Thành cười khẽ, tay cầm ly trà đưa lên miệng thổi nhẹ.
Tiếp theo đó là sự im lặng, bà Quyên từ từ ngẩng đầu lên quan sát sắc mặt ba chồng.
Ông Thành cảm nhận được có người nhìn mình, nghiêng đầu nhìn lại.
Nụ cười trên môi vụt tắt, ông hất mạnh ly trà trong tay về phía con dâu, làn nước ấm tạt thẳng vào mặt bà Quyên.
"Á!"
Bà quyên hét lên thất thanh, người làm nghe thấy vội chạy ra.
Khi đối diện với gương mặt sa sầm của ông Thành, bọn họ cúi đầu lui đi.
Chuyện của chủ không tới phiên họ quản.
Đặt ly rỗng trên bàn, ông Thành xoay ghế lại đối diện con dâu, ngồi xuống.
Bà Quyên mặt ướt đẫm, chưa thôi bàng hoàng.
Bị đôi mắt sắc bén nhìn chằm chằm, hai bả vai co rúm lại.
Bà ấy đã làm gì sai ư? Không có mà! Chẳng phải chính ông ấy cũng đồng ý cuộc hôn nhân này sao?
"Đã tỉnh chưa? Thôi ngay mấy cái trò ngu xuẩn này đi, tôi đã thấu rõ tâm can chị rồi.
Chị nói hay như vậy sao không nghĩ tới vì sao con My lại sinh ra ở ngoài."
Người ta nói không sai, không sợ kẻ địch mạnh chỉ sợ đồng đội ngốc.
Chẳng hiểu trong cái đầu con dâu ông đang nghĩ
gì, nếu bỏ qua chuyện môn đăng hộ đối thì với trí khôn có hạn bậc này, mấy đời ông rước về.
Suốt ngày chỉ ăn ngủ mua sắm tiêu tiền, riết rồi đần ra.
Bà Quyên được nhắc nhở lúc này mới hiểu ra bản thân đã phạm lỗi ở đâu, hóa ra ba chồng không vừa mắt Khải.
Có lẽ ai cũng lầm tưởng ông ấy ủng hộ cả thôi bởi xem thái độ nhiệt tình quá, tạo mọi điều kiện để đôi trẻ cưới gả.
Bởi vậy nên bà mới quên béng đi lịch sử huy hoàng của ba mẹ Trà My.
Nhưng nếu đã phản đối thì tại sao còn đồng ý cho cưới?
"Ba, con sai rồi!", dù còn nhiều nghi hoặc nhưng bà Quyên vẫn ngoan ngoãn nhận sai.
Trong cái gia đình này, ba chồng là trời là chúa, ông ấy nói gì cũng đúng.
"Biết rồi thì tốt! Tôi bảo chị này, ngủ ít thôi kẻo dấu hỏi biến mất thì dở người.
Chị tìm đến ba mẹ Khải, khuyên họ hủy hôn đi, làm bí mật vào, Trà My mà biết thì chị không xong với tôi đâu!"
Ông Thành hừ lạnh chống gậy bỏ đi để mặc con dâu ở lại tiêu hóa bao lời sâu cay.
Mãi đến khi không còn nghe thấy tiếng gậy nữa bà Quyên mới xoay người lại, oán hận nhìn về phương hướng ba chồng rời đi.
Bà ta cầm lấy ly, giơ cao lên định ném cho hả giận nhưng phút cuối do dự hạ xuống.
Không thể ném được, ngộ nhỡ ông ta biết lại bắt bẻ đủ thứ.
Bà đường đường là con nhà trâm anh thế phiệt nhưng sao lại đi đến bước đường này? Chồng không thương, ba chồng xem như rơm rạ, đây là tất cả những gì hai cha con họ đối xử với người vợ, người con.
Cùng chung cảnh chị em dâu nhưng sao kẻ khóc người cười? Bà chỉ hơn mẹ Trà My ở chỗ còn sống thôi, sống không bằng chết.
Đôi mắt ngày thường độc ác lườm người nay nhuốm sự u buồn.
Biệt thự Blue Moon, bảy giờ tối.
Trường Thịnh ngồi đợi sẵn ở bàn ăn, nhìn con gái như chú chim nhỏ lăng xăng trong bếp, mỉm cười bất lực.
Mấy hôm trước không biết cô công chúa nhỏ này nghe ai xúi dại mà lại đòi học nấu ăn, giờ bắt ông nghiệm thu thành quả.
Nói chẳng phải khoe, Vy chỉ thích hợp tiêu tiền làm thực khách thôi.
Ông nghĩ là dụng cụ nhà bếp sau đêm nay có thể thay mới được rồi, nãy giờ tiếng loảng xoảng cứ vang lên liên hồi.
"Ba chúng ta ăn thôi!"
Vy lần lượt bày món lên, vẻ mặt rất đỗi tự hào.
Trường Thịnh nhìn thành phẩm của con, dĩa khét dĩa tái mà dở khóc dở cười.
Nếu đứng trên lập trường của doanh nhân sở hữu nhiều chuỗi khách sạn, ông sẽ loại ngay.
Nhưng là một người ba, Trường Thịnh buộc phải tìm chỗ vớt vát lại.
"Để ba thử xem tài nghệ của con gái ba như thế nào!"
Trường Thịnh gắp một đũa rau muống xào cho vào miệng, chân mày không tự chủ được nhướng lên.
Cả hương lẫn vị đều rất đậm đà, ông đoán chắc Vy bận quá, quên cho đường
mất rồi.
"Ngon không ba?", Vy háo hức hỏi.
Trường Thịnh không nhẫn tâm phũ phàng với con gái nên cố nuốt đồ ăn trong miệng, dối lòng khen:
"Ngon lắm!"
"Thật ạ? Để con thử!"
"Đừng!"
Trường Thịnh cản không kịp, Vy hớn hở nếm thử miếng rau muống, ngay sau đó liền méo xệch miệng.
Dáng vẻ nhăn nhó của cô nàng làm Trường Thịnh vừa thường vừa buồn cười.
Vy nhả đồ ăn vào chén, uống hơn nửa ly nước mới chịu ngừng lại.
Cô nàng dỗi:
"Vậy mà ba bảo là ngon! Ba lừa con!"
Mặn hơn nước biển nữa là, lẽ ra cô nên nếm trước mới phải.
Nhưng cô nhớ chỉ bỏ có mấy muỗng muối thôi mà, sao mặn thế nhỉ?
Trường Thịnh quen thói dỗ dành:
"Thôi, ba sai, ba sai được chưa? Tại khẩu vị ba mặn mòi thế thôi! Giờ cha con mình ra ngoài ăn nhé, sẵn tiện dẫn
con đi dạo trung tâm thương mại luôn được không?"
Lần này Vy không mắc bẫy như mọi khi, cô bĩu môi kì kèo:
"Không, con chỉ muốn anh về thôi!"
Chuyện gì Trường Thịnh cũng chiều lòng được chứ riêng mỗi việc này thì không.
Ông dứt khoát lắc đầu:
"Không được! Anh con đi là lo chuyện công, không phải đi
du lịch mà muốn thì về."
Sao ai cũng nghĩ ông đối xử hà khắc với con trai vậy? Đây gọi là thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi hiểu không?
"Ba, ba đừng giận anh nữa mà!", Vy vẫn cứ nghĩ là ba mình còn giận.
Trường Thịnh bất lực, nỗi oan này ai thấu? Ông mà giận thật thì làm gì có chuyện để nó chạy đến tỉnh L dễ dàng vậy, xe không thu, thẻ không khóa, nhà cửa ở thoải mái.
Trường Thịnh nhỏ nhẹ giải thích:
"Ba xin thề là ba không còn giận, anh con đang làm việc rất tốt, nếu ổn thỏa thì trở về tập đoàn mới có thanh thế, sau này tiếp quản tập đoàn cũng có uy hơn."
Vy biết mình đã hiểu lầm ba, vui sướng ôm chầm lấy cổ Trường Thịnh, hôn lên má nịnh nọt:
"Ba của con là tốt nhất! Con thương ba nhất nhất!"
Vậy mà cô cứ tưởng ba đuổi anh trai đi để trừng phạt, ngờ đâu là tạo điều kiện để thể hiện bản lĩnh.
Tội nghiệp ba cô, cực khổ gà trống nuôi con bao năm lại còn bị oán ghét.
Để bù đắp lỗi lầm, Vy quyết định phải nấu nhiều món ngon cho ba.
"Chỉ giỏi nịnh đầm! Đi thôi, hai ba con chúng ta ra ngoài ăn!"
Trường Thịnh chưa hay ý định của con gái, ông cưng chiều nựng má Vy.
Cô công chúa này nhiều lúc cứ xem ông như con nít mà dỗ dành.
"Dạ!"
Vy vui sướng chạy ùa lên lầu, Trường Thịnh cười bất lực lấy tay chùi vệt son trên má.
Nhà có con gái lúc khổ lúc sướng, thường bị giận nhưng cũng hay được nhõng nhẽo.
Nhìn lên tấm hình gia đình treo trên tường, thấy gương mặt nào đó, ông ngó lơ.
Cùng là con mà Tường cứ chọc ông nổi điên.
Với ba thì hằn học, mặt xị ra như bị giựt nợ còn vợ con người ta lại rước về nuôi giùm trọn gói.
Thứ dại gái!
"Hắt xì!"
Ở tỉnh L, người đàn ông đang cặm cụi làm việc bỗng hắt hơi.
Khụt khịt mũi, anh ta ngơ ngác ngẩng đầu, mặt ngơ ngáo.
"Ai chửi mình vậy ta?", Tường lẩm bẩm.
Tường định làm tiếp nhưng nhìn đống giấy tờ lộn xộn trên bàn, bỗng ý tưởng chạy đâu mất.
Xoa đôi mắt nhức mỏi, anh ngả lưng tạm nghỉ ít phút.
"Á!"
Tiếng hét truyền vào tai, Tường mở bừng mắt ra.
Đây là giọng của Nghi, lật đật mở tung cửa chạy đi.
Bà bầu đã xảy ra chuyện gì rồi?