Kinh Thiên Minh, ba mươi tuổi.
Tuyệt thế kiếm khách xưa kia từng vang danh thiên hạ giờ đã yên ổn sống qua ngày trong một thôn trang nhỏ bé. Sống cùng hắn, là thê tử của hắn Cao Nguyệt, còn có hai cô nhi trước đây hắn nhặt về.
Suốt mấy năm liên tục chiến tranh, khắp nơi đều có cô nhi. Mà còn nhiều hài tử hơn thế nữa đã theo chân phụ mẫu chúng cùng đoàn tụ trong lòng đất.
Hai đứa trẻ Kinh Thiên Minh mang về nhà, một đứa lớn tuổi hơn một chút, y sam tuy rách rưới nhưng lại có lý trí vững vàng không giống với hài tử tầm thường; đứa ít hơn vài tuổi lang thang ở bên ngoài đã lâu, cực kỳ hoạt bát cởi mở, tinh nghịch càn quấy không từ bất cứ việc xấu nào.
“Các ngươi tên gọi là gì?”- Kinh Thiện Minh từng hỏi bọn chúng như vậy.
Hai hài tử lặng im nhìn bát trong tay, không hẹn mà cùng nhau lắc đầu.
Ái ngại cười cười, Kinh Thiên Minh nói
”Ta đây đặt tên cho các ngươi có được không?”
Nhìn gương mặt phu quân tươi cười vẫn hồn nhiên giống như đứa nhỏ, lại nhìn hai hài tử đã ăn no, Cao Nguyệt đứng một bên cũng thoáng mỉm cười.
“Ngươi gọi Tiểu Vũ, hắn gọi Tiểu Minh, thế nào?”- Câu nói của Thiên Minh vừa rời miệng, cái khay trong tay Cao Nguyệt thiếu chút nữa sảy tay rớt xuống.
“Cảm tạ sư phụ! Cảm tạ sư nương!”- Bọn nhỏ nhu thuận gật đầu cười, trong ánh mắt tràn ngập hi vọng cùng vui sướng.
“Thiên Minh, ngươi hôm nay vì sao lại đặt cho các tiểu hài tử hai cái tên này?”- Tỉ mỉ thắp lại đèn hoa, Cao Nguyệt hỏi nam nhân ngồi bên giường, thanh âm bình tĩnh đến cả một tia gợn sóng cũng không có.
Trên mặt lộ ra vẻ hoài nghi, nam nhân suy nghĩ một lát xong lắc đầu nói
“Ta cũng không biết vì sao. Chỉ là lúc đó thấy hai đứa nó, trong lòng ta bỗng nhiên nghĩ muốn gọi bọn nó là Tiểu Vũ cùng Tiểu Minh.”
“Ta thấy lấy hai cái tên này rất hay.”- Kéo ngọn đèn gần lại một chút, Cao Nguyệt hướng về phía nam nhân lộ ra một nụ cười vẫn xinh đẹp như khi nàng còn là thiếu nữ.
Mà Tiểu Vũ cùng Tiểu Minh rất nhanh hiểu rõ được, sư phụ bọn họ thực ra là người rất dễ thương lượng dễ mềm lòng, cơ bản là xin gì được nấy.Còn nói khá nghiêm khắc, lại là sư nương.
Chỉ có điều ngày đầu tiên dạy học cho bọn họ, Kinh Thiên Minh đã từng nói qua, có hai đồ vật bọn họ tuyệt đối không được động vào.
Vật thứ nhất là bội kiếm Uyên Hồng của hắn. Kinh Thiên Minh đồng thời cũng nói, nếu như sau này các ngươi xuất sư, có lẽ ta sẽ để lại thanh kiếm cho một người trong các ngươi.
Vật thứ hai là một cái hộp gỗ cũ. Đối với cái hộp gỗ này, Kinh Thiên Minh chưa từng giải thích gì nhiều, chỉ nói nó là cái gì đó rất quan trọng với bản thân mình.
Từ sau khi ấn chú trên người bị phá giải hoàn toàn, Kinh Thiên Minh mắc phải một loại tâm bệnh, có đôi khi sẽ lại mê man, dường như là di chứng còn lưu lại.
Bất quá loại tâm bệnh này cũng không nghiêm trọng lắm, một năm đại khái sẽ chỉ phát tác một lần.
Lúc đầu, bọn họ cũng không biết đây là tâm bệnh. Mãi cho đến khi Cao Nguyệt phát hiện Kinh Thiên Minh đã liên tục năm năm, mỗi năm sẽ có một lần ngủ đến gần một ngày một đêm sau mới tỉnh lại. Rốt cục cũng hiểu rõ đây chỉ có thể tính là cố tật khó chữa
Cao Nguyệt chính là một thầy thuốc rất cao minh, nhưng nàng không những không chữa hết được chứng bệnh này của Thiên Minh, ngay cả căn bệnh này do đâu mà có, nguyên nhân phát tác là gì, nàng cũng hoàn toàn không biết rõ.
Mỗi lần Kinh Thiên Minh mê man đi rồi, từ biểu cảm trên gương mặt hắn với lời nói mơ màng xem ra, có vẻ đều là đang nằm mộng.
Thế nhưng, mỗi lần khi Kinh Thiên Minh tỉnh lại, hắn đều không nhớ rõ mình nằm mơ thấy cái gì, cũng không nhớ rõ chính mình trong mộng từng nói qua cái gì.
May mà tình trạng của Kinh Thiên Minh trong một thời gian rất dài vẫn chỉ duy trì ở mức độ mỗi năm chỉ mê man một ngày một đêm, vả lại cũng tuyệt không cảm thấy trên cơ thể có điểm nào không khoẻ, Cao Nguyệt cũng dần dần yên lòng.
Thế nhưng Cao Nguyệt vẫn nhắc nhở cho hai đồ đệ của Thiên Minh, nói bất luận thế nào cũng không được miêu tả cho sư phụ các ngươi tình trạng của hắn sau khi mê man, nếu không bệnh tình của sư phụ các ngươi sẽ không có cách nào cứu chữa được.
Khi đó Tiểu Vũ và Tiểu Minh vẫn còn là hài tử chưa quá mười tuổi, thế nhưng cô nhi từ trước đến nay vẫn sớm hiểu chuyện, bọn họ nhìn nét mặt sư nương cực kỳ nghiêm túc, đều nghiêm chỉnh hướng nàng thề đáp ứng tuyệt không trái lời.
Cũng như tuyệt đại đa số người ở trong thôn, A Cẩu cho đến bây giờ vẫn chưa từng rời khỏi làng.
Trong thôn từng có một kiếm khách lang thang ghé ngang qua. Khi sơn tặc đột kích thì người nọ tựa hồ như đột nhiên từ trên trời rơi xuống, ở lại đây vài ngày sau đó lại đột nhiên biến mất.
Tuy rằng thời gian cùng người nọ ở chung bất quá chỉ có vài ngày, nhưng A Cẩu vĩnh viễn vẫn nhớ kỹ hình dáng của kiếm khách lang thang đó. Người nọ đã không thể coi là rất trẻ tuổi, nhưng đôi mắt rất lớn vẫn sáng ngời, phảng phất giống một thiếu niên.
Hắn nói hắn họ Kinh, tên là Thiên Minh, Vì vậy mọi người liền gọi hắn “Kinh tiên sinh”.
Thế nhưng hắn lại để cho người khác gọi hắn “Kinh đại ca” hoặc “Đại ca “, cho dù là người tuổi tác so với hắn còn lớn hơn gọi hắn “Đại ca “, hắn nghe được vẻ mặt cũng là một bộ rất cao hứng.
Người nọ mặc đồ rất mỏng, y phục cũng rất đơn giản, trên cổ đeo một sợi dây chuyền, mặt dây tựa hồ là một mảnh ngọc bích. Trừ thứ đó ra, người nọ cũng chỉ mang theo bên mình hai vật.
Một vật là bội kiếm của hắn. Thanh kiếm kia xem chừng rất sắc bén, ở chỗ gần chuôi kiếm có khắc hai chữ, cũng không rõ là văn tự của quốc gia nào.
Một vật khác là chiếc hộp gỗ cũ hắn luôn giấu vào trong ngực. Chính là chiếc hộp gỗ kia trông dáng vẻ không giống như vật gì đáng giá, méo mó cũ kĩ. Trên nắp cũng có khắc hai chữ, nhưng cùng chữ trên thân kiếm trông không giống nhau.
Kiếm thuật của người nọ nhất định là tương đối tốt, hơn nữa dường như còn rất có danh tiếng. Bởi vì đám sơn tặc lần trước đến thôn trang bất quá chỉ vừa nghe hắn nói tên và nhìn thấy thanh kiếm trong tay hắn thì đồng loạt đổi sắc mặt, không nói một tiếng vội vã bỏ đi, tốc độ bỏ chạy so với tốc độ tìm đến xem ra còn nhanh hơn nữa.
Thế nhưng A Cẩu chưa từng thấy qua người nọ rút kiếm đả thương người, cho nên cũng không rõ kiếm thuật của người nọ rốt cục cao siêu đến thế nào. Tuy rằng cũng từng vài lần thấy người nọ rút kiếm, cũng chỉ là giúp người trong thôn làm chút việc đại loại như chẻ củi của nhà nông.
A Cẩu cũng chưa từng thấy qua trong hộp gỗ đó có cất cái gì. Chỉ là có một đêm khuya, lúc hắn mơ mơ màng màng tỉnh dậy, từng thấy người nọ ngồi bên cửa sổ, cũng không có ngủ, trong tay nắm lấy chiếc hộp gỗ đó.
Trăng đêm đó rất tròn, ánh trăng rất sáng, chỉ là ánh trăng có chút gì đó kỳ lạ, bởi vì mặc kệ nó sáng đến thế nào, chiếu lên trên người cũng luôn luôn không có lấy một chút cảm giác ấm áp. Ánh trăng xuyên qua cửa sổ chiếu vào hộp gỗ mở ra phân nửa trong tay người nọ, cũng chiếu vào sợi dây chuyền đeo trên cổ hắn. Người nọ cứ lẳng lặng ngồi như vậy, ánh mắt rất chuyên chú, trong ánh mắt tĩnh lặng tựa hồ như có vật gì.
A Cẩu tuy rằng rất muốn nhìn xem trong hộp gỗ kia rốt cục là có đựng vật gì, thế nhưng chỗ người nọ ngồi lại vừa vặn đối diện với hắn bên này, có cố gắng nhìn thế nào đi chăng nữa cũng chỉ có thể thấy nắp đậy cùng mặt bên của hộp gỗ. Từ nhỏ đã nghe mấy người lớn nói đêm trăng tròn dễ mất ngủ, A Cẩu nghĩ Kinh đại ca chắc hẳn cũng vì nguyên nhân này nên mới ngủ không ngon đi.
Có lúc A Cẩu vô tình sẽ hỏi chuyện cái hộp gỗ, người nọ sau khi nghe được liền sửng sốt, trên mặt liền lộ ra một nụ cười nhàn nhạt.
“Ta cũng không nhớ rõ cái hộp gỗ kia có từ lúc nào, chỉ là mơ hồ cảm thấy nó với ta có mối liên hệ rất sâu đậm. Bởi vì mỗi lần ta chỉ chạm vào hoặc nhìn thấy chiếc hộp gỗ ấy, đều cảm thấy có một loại cảm giác rất an tâm rất yên bình.”- Ung dung kể rõ, nụ cười của người nọ vẫn cứ thản nhiên, chỉ là trong nụ cười kia có mang chút cảm xúc gì mờ mịt.
Ngoại trừ những điểm này, người nọ còn có một thói quen kỳ lạ.
Hắn thường thường vô thức nhìn quanh khắp nơi, tựa như muốn tìm hình dáng của một ai đó. Chỉ là, cho tới bây giờ cũng chưa thấy ánh mắt hắn tìm được mục tiêu.
Nhưng nếu như đến hỏi hắn đang nhìn cái gì, có phải đang tìm người nào không, hắn sẽ lộ ra vẻ mặt ngỡ ngàng hoàn toàn không giống như đang giả vờ, đáp rằng ta không phải đang tìm người đâu.
Thế mới nói, thực ra cũng chỉ là một loại thói quen có hơi kỳ cục mà thôi.
Mà lúc người nọ rời đi cũng bất ngờ như khi hắn tới, không ai biết hắn đột nhiên xuất hiện lúc nào, cũng không ai biết lúc hắn rời đi.
Vì vậy A Cẩu có đôi khi cũng sẽ hoài nghi, rốt cuộc có phải chỉ là mình từng nằm mộng thấy một người như vậy thôi không. Thế nhưng mỗi lần nhìn thấy khung cửa sổ dưới ánh trăng ấy, trước mắt A Cẩu sẽ thấy hiện ra rất rõ ràng cảnh tượng người nọ lẳng lặng cầm chiếc hộp gỗ trong tay, tựa hồ còn có thể thấy mặt dây chuyền ngọc bích đeo trên cổ người nọ, dưới ánh trăng tản ra ánh huỳnh quang xanh biếc.