Cuốn sách mà A Viễn đưa cho Tả Thiên tên là <Hồng Lâu Mộng>. Cuốn sách tuy cũ nhưng vẫn được bảo quản rất tốt. Trên trang sách ố vàng có ghi một cái tên bằng bút máy "Lý Hiểu Nhiễm". Có lẽ cuốn sách được xuất bản vào những năm 60-70, gồm cả chữ giản thể và phồn thể. Lời tựa là đoạn trích trong "Cách mạng giai cấp vô sản", "Nhân dân lao động bị chèn ép", Tả Thiên không kiên nhẫn đọc, giở luôn chính văn.
<Hồng Lâu Mộng> là cuốn sách kinh điển mà Tả Thiên thích nhất. Sở dĩ cô mới chỉ đọc duy nhất tác phẩm văn học kinh điển này mà thôi. Ở nhà vào dịp nghỉ hè, cô hay ngồi trước tivi cả ngày xem phim <Hồng Lâu Mộng> vừa để giết thời gian vừa vì tò mò.
Giờ nhìn quyển sách này, không hiểu sao, cô lại cảm thấy lòng mình bỗng nhiên lặng đi, như thể chìm trong nội tâm của Lâm Đại Ngọc, bước vào Cố phủ, theo chân chị em họ cùng buồn cùng vui, tạm thời quên đi đứa bé trong bụng.
Người tên Lý Hiểu Nhiễm rất thú vị, thường xuyên viết một số nhận xét súc tích và đánh dấu vào những khoảng trống trong cuốn sách. Ví dụ câu: "Một đêm gió Bắc se sắt.", bên cạnh ghi: "Phượng tỷ cũng là thi nhân." Đối với các câu thơ của Bảo Thoa, dòng:"Sức mạnh của gió đưa tôi lên trời cao." được gạch chân, lúc bút máy, lúc bút chì, không cùng một thời điểm. Xem ra chủ nhân của cuốn <Hồng Lâu Mộng> cũng đã đọc tác phẩm nhiều lần.
Tả Thiên vừa đọc sách vừa đọc bình luận. Nhìn những dòng bình luận đó, cô có cảm giác như đang trao đổi với bạn đọc. Qua những dòng chữ này có thể nhận ra Lý Hiểu Nhiễm là một phụ nữ tài hoa.
Mấy ngày sau, Tả Thiên đọc Hồng Lâu Mộng lại lần thứ hai. Cuối cuốn sách, cô thấy Lý Hiểu Nhiễm ghi một câu: "Ai hiểu rừng nhuộm sương giá, khiến người ta rơi lệ. Không lẽ, ta thật sự không thể trở về?" Dấu chấm hỏi tô đậm đến chói mắt.
"A Viễn, cuốn sách này là của ai?"
"Anh không biết."
"Mẹ anh có phải là Lý Hiểu Nhiễm không?"
"Hình như thế."
"Mẹ anh là người như thế nào?"
"Mẹ anh? Anh không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ bà thường xuyên mặc quần áo rất chỉn chu."
"Còn gì nữa không?"
"Ngoài ra, bà không đánh trẻ con. Hai anh em anh chưa từng bị đánh bao giờ."
"Gì nữa?"
"Dì Tư nói, mẹ rất đẹp."
"Gì nữa không?"
"Dì Tư nói, mẹ không thích cười."
"Ừ, sao nữa?"
"Còn nhiều lắm nhưng anh không nhớ."
"Mẹ anh cũng bị cha anh mua à?"
"Ừ."
"Mẹ anh là người ở đâu?"
"Người ở đâu ư? Anh không biết, hình như anh cả cũng không biết."
"Cha anh biết không?"
"Chắc cha cũng không biết."
"Mẹ anh cũng từng bỏ trốn đúng không?"
"Có lẽ vậy. Anh không biết."
"Không biết, không biết. Hỏi gì cũng không biết. Mẹ nuôi anh có ý nghĩa gì chứ?"
"Thiên Thiên, em đừng nóng, để mai anh hỏi."
So với chị dâu và A Thải, Tả Thiên có cảm giác gần gũi với người phụ nữ Lý Hiểu Nhiễm bí ẩn này hơn. Bởi vì hai người đều đa sầu đa cảm và có ý chí không cam chịu như nhau.
Tả Thiên thường xuyên cầm cuốn sách, ngồi trên sườn đồi nhìn ngọn núi đối diện, mơ màng nghĩ đến tâm trạng của Lý Hiểu Nhiễm ngày ấy. "Ai hiểu rừng nhuộm sương giá, khiến người ta rơi lệ." Người khác- Ly Nhân, đúng tên của anh cả rồi. Phải chăng bà ấy cũng giống cô, sau khi biết mình mang thai đã nảy sinh tuyệt vọng? "Không lẽ, ta thật sự không thể trở về?" Phải chăng cũng giống cô, không cam chịu bị số phận an bài như vậy? Tả Thiên không có nhiều kiến thức về văn học cổ điển, không biết Chi Viễn, Sơ Tuyết có xuất xứ từ đâu. Nhưng cô phỏng đoán, Lý Hiểu Nhiễm từng muốn đặt tên cho đứa con út là Tính Bình, hẳn bà ấy đã hoàn toàn cúi đầu trước số phận và an ủi bản thân nên "tâm tư bình thản."
Hơn mười, hai mươi năm sau có Tả Thiên đang đi theo con đường giống Lý Hiểu Nhiễm. Liệu cuối cùng cô có dùng từ "Bính" để thuyết phục bản thân không?
Tả Thiên luôn chìm đắm trong thế giới của mình khiến A Viễn rất bất an. Anh cảm thấy Tả Thiên trầm lặng ít nói ngày càng xa cách, như thể sắp rời xa anh bay mất. Nếu quả thật cô nhớ nhà như lời anh cả, A Viễn không thể nói bất cứ điều gì để an ủi cô. Anh không biết nên làm gì mới có thể khiến Tả Thiên nhìn nhận mình lần nữa.
Buổi tối, Vương Tiểu Bình đi học về, chạy thẳng đến trước mặt Tả Thiên mà không cất cặp sách, giọng ấm ức: "Thầy Lương bảo đề này cháu làm không đúng. Thím giảng cho cháu đi."
Từ khi biết mình có thai, cô không còn dạy phụ đạo cho Tiểu Bình nữa. Lần này, Tiểu Bình chủ động dến tìm khiến Tả Thiên cảm thấy áy náy với thằng bé. Cô vội cầm bài thi của Tiểu Bình xem qua. Mấy câu hỏi trước Tiểu Bình đều làm rất tốt. Câu hỏi cuối cùng bị trừ 15 điểm còn 85 diểm. Câu hỏi cuối cùng là nhìn tranh trả lời. Đại ý bức tranh vẽ một bà cụ đi đường bị ngã, một cậu học sinh tiểu học nhìn thấy liền đỡ bà dậy. Bà cụ nói: "Cảm ơn." Đề bài yêu cầu học sinh viết ra câu trả lời bà cụ. Ý đồ của thầy Lương là để Tiểu Bình ghi: Cậu học sinh đáp: Không cần cảm ơn ạ. Nhưng Tiểu Bình lại điền: Cậu học sinh bỏ đi.
Tả Thiên nhìn qua, thấy Tiểu Bình trả lời không hẳn là sai nhưng không phù hợp với yêu cầu của thầy Lương. Tả Thiên kiên nhẫn giảng lại đề bài cho Tiểu Bình nghe, nói cho thằng bé hiểu viết như vậy không được và nên trả lời như thế nào. Tiểu Bình chăm chú sửa bài xuống dưới đề thi. Tả Thiên xoa đầu Tiểu Bình, cảm thấy việc dạy một đứa trẻ học thực sự rất thú vị. Cô bất giác đưa tay sờ bụng mình.
"Thím ơi, thím ra thêm đề như vậy để cháu làm tiếp, thím xem có đúng không nhé."
"Được."
Tả Thiên lấy cuốn vở bài tập vẽ một bức tranh đơn giản giống thầy Lương. Đó là cảnh thầy trò chào hỏi nhau vào buổi sáng. Tả Thiên từng học vẽ vài năm nên nét vẽ đẹp hơn hẳn thầy Lương. Vương Tiểu Bình nhanh chóng điền đáp án. Cậu bé vô cùng phấn khích, xin Tả Thiên ra mấy đề nữa. Tả Thiên xem qua nội dung trong sách, chọn mấy hình thú vị vẽ ra. Vương Tiểu Bình trả lời rất nhanh. Hai người càng chơi càng hăng. Tiểu Linh đi qua nhìn thấy, Tả Thiên lý giải bức tranh bằng tay khiến Tiểu Linh cũng bị mê hoặc. Thậm chí, lúc chị dâu gọi ăn cơm, cả ba cũng không di chuyển.
Nhìn Tả Thiên hiếm khi vui vẻ như vậy, A Viễn không làm phiền. Mãi cho tới khi Tả Thiên thấy mình vẽ quá lâu mới dừng tay lại. Cô thoả thuận với Tiểu Bình, từ nay về sau sẽ vẽ tranh cho cậu mỗi ngày.
Bữa tối, chị dâu làm món rau mùi trộn. Rau mùi ở đây rất thơm, là món khoái khẩu của Tả Thiên. Nhưng hôm nay ngửi mùi rau nồng, Tả Thiên thấy buồn nôn. Cô hít sâu một hơi, kiềm chế cơn nôn. A Viễn muốn lấy lòng Tả Thiê, liền gắp rau cho cô. Mùi thơm xộc thẳng vào mũi, Tả Thiên không nhịn nổi, vất bát chạy ra ngoài. A Viễn bưng bát, lo lắng nhìn cô.
Cha hỏi: "A Viễn, vợ con bị lạnh à?"
"Con không biết." A Viễn vẫn quan sát Tả Thiên, ấp úng.
"Em không sao, chỉ là không ngửi được mùi rau thơm." Tả Thiên nôn xong đi vào, trả lời yếu ớt.
A Viễn vội đặt rau ra xa, sau đó lấy hết rau mùi trong bát Tả Thiên.
Nhưng dường như không có tác dụng, Tả Thiên ngồi xuống chưa bao lâu, cảm giác muốn nôn mửa lại ập đến. Cô vội vàng che miệng tránh sang bên.
Cô út hừ một tiếng: "Giả vờ giả vịt."
Chị dâu nhìn Tả Thiên, nói: "Tôi nghĩ không phải cảm lạnh mà giống như mang thai. Cô có rồi phải không?"
Tả Thiên đoán chừng giấu không được, mặt nhợt nhạt khẽ gật đầu.
A Viễn quăng đũa, bật dậy: "Thiên Thiên, thật à?"
"Ừm."
"Em biết lúc nào?"
"Mấy hôm trước." Tả Thiên không dám nói sự thật.
"Sao em không nói cho anh biết sớm?"
"Tôi định..."
A Viễn không đợi cô nói hết, liền bảo chị dâu: "Chị dâu, trong nhà còn thịt không? Chị hâm cho Thiên Thiên bát cháo thịt nhé. Không còn à? Trứng gà thì sao? Vậy nấu bát cháo trứng đi. À thôi, để đó em làm. Thiên Thiên, đừng ăn vội, để anh hâm lên đã."
"Được rồi." Cha quát: "Chuyện gì thì để mai hãy nói, hôm nay cứ thế đã. Vợ mới mang thai, con đã nhặng hết cả lên."
A Viễn không chịu. Tả Thiên kéo anh, anh mới ngồi xuống ăn tiếp.
Anh cả im lặng, chị dâu và cô út đều buồn cười.
Sau bữa tối, A Viễn đã bình tĩnh lại, không còn bối rối nữa. Ăn xong, A Viễn kéo Tả Thiên vào phòng để cô nằm xuống giường. Tả Thiên giãy dụa bảo không muốn ngủ sớm. A Viễn nhấn cô lại, không cho cô ngồi dậy. Còn mình thì cởi giày, nửa nằm nửa ngồi ôm Tả Thiên.
Ban đầu A Viễn không nói gì, nhưng bàn tay to lớn vuốt ve bụng Tả Thiên dịu dàng một cách ngạc nhiên.
"Thiên Thiên, em thật sự có thai à?"
"Hẳn là vậy, em không chắc lắm."
"Ngày mai anh mời dì Tư sang xem nhé."
"Dì Tư biết xem bệnh à?"
"Biết một chút. Có thầy Trần cũng biết xem. Nhưng phụ nữ trên núi sinh con đều tìm dì Tư."
Một lát sau, A Viễn tiếp tục:
"Thiên Thiên, sau này anh sẽ thu thập thêm nhiều thảo mộc, nhiều nấm khô để kiếm nhiều tiền hơn. Chúng ta phấn đấu xây một căn phòng mới. Anh muốn con cái của chúng ta có một cuộc sống tốt lành, dạy dỗ nó trở thành một người giỏi giang như em."
Tả Thiên không ngờ A Viễn đã tưởng tưởng đến hai mươi năm sau, nhất thời im lặng. Cô chỉ nghĩ A Viễn thật ngây ngốc và buồn cười.
"Hình như chỗ ở vẫn chưa đủ. Thiên Thiên, ngày mai anh sẽ bảo cha, nới căn phòng trống bên cạnh thành căn phòng mới. Con chúng ta không thể ngủ trong căn phòng dột nát."
"Nhân tiện, anh sẽ bảo chị dâu cất hết quần áo cũ, sau dùng làm tã lót cho con."
"Còn nữa..."
Tả Thiên bịt miệng anh: "Được rồi, con còn chưa sinh ra, bố đã phát điên."
A Viễn cười hì hì: "Lần đầu làm bố, sướng quá."
"Về sau còn nhiều cơ hội." Tả Thiên thuận miệng đáp.
A Viễn bỗng dừng lại, quay đầu chăm chú nhìn Tả Thiên, thì thầm: "Thiên Thiên, chúng ta có con trai, em sẽ không bao giờ rời đi chứ?"
Tả Thiên không nghĩ A Viễn lại bất an như vậy. Cô cảm thấy sống mũi cay cay: "Ừ."
A Viễn phấn khích: "Thiên Thiên, em nói xem, con của chúng ta hiện lớn chưa?"
"Mới bé tí à?" Tả Thiên giơ tay ước lượng.
"Vậy em ăn nhiều một chút để sinh ra một thằng cu mập mạp."
"Con trai, con trai, sao anh biết là con trai? Nếu là con gái thì không tốt à?"
"Không phải, con gái anh cũng thích. Nhưng giờ anh không có tiền. Khi có tiền, chúng ta sẽ sinh thêm một đứa con gái."
"Tại sao phải đợi có tiền mới sinh con gái?"
"Dì Tư thường nói, nuôi con trai thì nghèo, nuôi con gái thì giàu. Anh muốn đợi đến khi cuộc sống của chúng ta khá hơn rồi hãy sinh con gái, nuôi dạy nó thật tốt."
"Anh suy nghĩ nhiều quá rồi. Giờ là trai hay gái không phải do anh tính."
"Đúng đúng, là do em tính."
"Em cũng không tính được. Sao anh nói nhảm nhiều thế nhỉ? Muốn bị đánh phải không?"
“Hì hì!”